Du học sinh Việt Nam thật sự đang cần gì?

Tôi đang biên dịch một cuốn sách rất thú vị thích hợp cho du học sinh, đặc biệt là du học sinh Việt Nam. Tác giả của cuốn sách là một kỹ sư người Ấn đang làm việc cho Apple ở thung lũng Silicon. Cuốn sách nói về hành trình của chính anh trước khi thành công tại Mỹ nhờ thực tập ở Anh Quốc và Thuỵ Sĩ. Yếu tố quan trọng nhất để được trúng tuyển là sự kiên trì và một kế hoạch. Tôi chợt nghĩ đến các bạn sinh viên Việt Nam, đặc biệt là những bạn tại Mỹ và Canada là nhóm mà tôi có dịp tiếp xúc nhiều nhất.


Du sinh Việt gồm những bạn từ phổ thông, cao đẳng, đến đại học, sau đại học hoặc học nghề. Nhiều bạn bắt đầu từ ESL (học tiếng Anh).Tuổi đời của các bạn cũng trải dài từ vài tuổi đến vài chục tuổi, đông nhất vẫn là nhóm từ 15 đến 25 tuổi. Nếu ngẫu nhiên một du sinh để hỏi lý do học ở nước ngoài thì phần đông sẽ trả lời là do “bố mẹ kiu đi”. Và thế là các bạn đi.
Tôi thật sự ủng hộ suy nghĩ của nhiều bậc phụ huynh khi hướng cho con du học. Ẩn hiện trong quyết định và nỗ lực này là niềm tin con mình sẽ có một tương lai tốt hơn, niềm tin này là do nghe đồn hoặc do có tầm nhìn thực sự. Tuỳ thuộc vào nguồn gốc của niềm tin mà tương lai của các bạn du sinh cũng chia làm hai nhóm chủ đạo (tôi nhóm lại các điểm chung thôi chứ không có câu chuyện nào giống câu chuyện nào) là NHÓM NGHE ĐỒN VÀ NHÓM TẦM NHÌN.

Nhóm nghe đồn


Dẫu phụ huynh nào cũng có tâm ý tốt cho con cái cả. Nhưng cách tiếp cận vấn đề ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng. Nhóm nghe đồn tin chuyện du học là một phép mầu, con mình có thể lấy visa là một vinh dự to lớn để ngẩng cao đầu (trước là cho bố mẹ, hy vọng sau này sẽ là con cái) và cả gia đình sẽ đổi đời như hồi xưa lên kinh ứng thí để mong một người làm quan cả họ được nhờ. Việc chuẩn bị du học của nhóm nghe đồn có công thức như sau:
Hôm trước, chị\anh nghe nói  + con của ông\bà abc được + học bổng/định cư/trở thành xyz. Tui muốn con tui làm y vậy!
Học sinh từ nhóm nghe đồn thường cũng nghe . . . ba mẹ mình đồn. Phụ huynh sau khi nghe đồn được thông tin nghe kích thích (nhấn mạnh là nghe kích thích chứ chưa biết thực hư nội tình ra sao) liền về đẩy con mình đi du học. Đẩy được cho đi là mừng hết lớn, tính lượt đi không thèm nghĩ đến lượt về. Cách đặt kỳ vọng vào con của nhóm nghe đồn này cũng lớn như vầng Thái Dương, như biển Thái Bình dạt dào. Kỳ vọng kiểu con du học thì con phải định cư, hay ba mẹ cho tiền phải lấy bằng giỏi. Rằng chim non đã quăng ra khỏi tổ là phải bay được ngay, bay bắc nam đông tây như bố mẹ ngày xưa, như con nhà người ta vậy. Không được là bất hiếu, là nghịch tử, là thảm hoạ của giống nòi.
Hậu duệ của nhóm nghe đồn, mang tư tưởng và dòng máu nghe đồn lên đường. Các bạn đáp xuống đất Mỹ, mang theo cái visa, cái học bạ và ít nhất 2 vali chất đầy đồ ăn Việt Nam như mang cả cái chợ Bến Thành qua Mỹ vì sợ ở Mỹ không có đồ ăn (ý là có đồ con thích ăn). Ngoài ra, không có gì khác.
Giống như trên trời rớt xuống, các bạn không hiểu ai nói và nhiều khi nói không ai hiểu, ngơ ngáo trước mọi thứ xung quanh và đâm ra … sợ mọi thứ. Ở quê nhà, ba nghe mẹ đồn là thành phố con ở rất tốt, trường con học rất tốt, phòng con ở rất tốt, nhất nhất cái gì cũng tốt, vì không nói tốt thì dịch vụ không biết nói gì khác để che đi bản chất của lời đồn. Ở xứ người, con tiếp tục nghe đồn. Con nghe đồn là ở Mỹ chỉ cần bưng phở hoặc làm nail là đủ trả tiền học, tiền sinh hoạt phí, để dành và đi du lịch.
Nghe đồn xứ văn mình con người tốt lắm, tốt tới mức ai cũng giúp mình và cuộc sống ở đây là thiên đàng. Nghe đồn học Nurse (điều dưỡng) ra trường dễ có việc, học IT có thể định cư ở Mỹ. Nghe đồn tổng thống mới lên mất nhân tính cấm du sinh về quê thăm nhà gia hạn visa… và nhiều nhiều lời đồn thú vị khác nữa. Ba mẹ nghe đồn thường gửi gắm con cái cho người thân, nghe đồn là vì muốn con an toàn và kiểm soát được hành tung không cho con làm bậy, tập trung học tập.
OK! Mọi chuyện đã như ý.
Vì là nghe đồn, nên dễ thay đổi. Mà lời đồn thường thay đổi khi người đồn thay đổi. Con quen hỏi ý kiến cha mẹ để được nghe đồn. Xin đi chơi với bạn lên núi thì bị cấm, nghe đồn trên núi nguy hiểm. Xin tham tình nguyện cũng bị cấm, nghe đồn lây bệnh, mất thời gian. Xin học ngành khác bị cấm, nghe đồn ngành đó không kiếm được tiền, và cứ thế. . . Được dẫn dắt bởi những lời đồn đến ngày tốt nghiệp, với tiếng Việt chuẩn và phong cách làm việc kiểu con ngoan trò giỏi, bất chấp ngành nghề nào các bạn đang theo học, các bạn đều sẽ được tiếp tục với lĩnh vực ẩm thực (bưng phở) và ngành nghệ thuật hoá chất (làm nail) cho đến ngày các bạn hồi hương hoặc vi phạm pháp luật, vài chục năm sau này ở Mỹ các bạn cũng làm việc tay chân và sống cho qua ngày. Cần nói thêm là các tiệm phở và salon ở Mỹ có tổng giá trị hơn chục tỷ đô đã nuôi sống rất nhiều nhân tài Việt Nam ở hải ngoại. Tuy nhiên, những người thành công đều chỉ dùng kế sinh nhai này để tiến xa như Charlie Tôn Quý, Daniel Phú hay Ba Lee Sandwich. Những người này sau đó đều tích luỹ thêm kiến thức, kinh nghiệm và uy tín để thành công ở đất khách.
Nhóm tầm nhìn

Nhiều gia đình sinh ra trong nhóm tầm nhìn, nhưng phần đông cấp tiến chuyển qua từ nhóm nghe đồn. Điều kiện quan trọng để gia nhập nhóm tầm nhìn là sau khi nghe đồn, thông tin sẽ được kiểm chứng nhiều lớp để có được thông tin chính xác nhất. Một đặc điểm khác quan trọng hơn của nhóm tầm nhìn là bố mẹ xem việc cho con đi du học là một khoản đầu tư. Trong kinh doanh, một khoản đầu tư có thể lời hoặc lỗ tuỳ thuộc và nhiều yếu tố rủi ro khác nhau, cả chủ quan lẫn khách quan . Người đầu tư luôn muốn có nhiều thông tin chính xác và cập nhật nhất để giảm thiểu rủi ro.
Việc chuẩn bị du học của nhóm tầm nhìn bắt đầu bằng cuộc nói chuyện giữa ba mẹ và con cái để giải thích tầm quan trọng của giáo dục và sự khác biệt giữa đi học trong nước và ra nước ngoài học. Theo sau là lắng nghe suy nghĩ và năng lực của con mình để làm xuất phát điểm. Tìm bằng chứng xác thực cho sự sẵn sàng của con trước thử thách mới. Cha mẹ cùng con lên kế hoạch ôn luyện, dạy con cách tự lập, biết nấu nướng và chăm sóc bản thân, cho con chơi môn thể thao và loại hình nghệ thuật con thích để tâm hồn được phong phú.
Cha mẹ tầm nhìn hỏi con mục đích, và cung cấp những gợi ý dọc đường để con nỗ lực. Nhiều thành tựu nhỏ tạo nên thành tựu lớn, nhiều kỹ năng mềm tạo thành con người cứng, nhiều kinh nghiệm sống là nền mống tất yếu của thành công.
Cha mẹ cùng con đi nhiều hội thảo, hỏi nhiều người, đặc biệt là những người đã thành công chứ không phải theo quan hệ thân sơ. Cha mẹ cũng cho con đi du lịch, dù gần hay xa, và quan sát sự quyết tâm của con cho hành trình sắp đến. Cha mẹ cho con những địa chỉ uy tín để con tìm đến và dạy cho con cách lấy được thông tin chính xác, cần thiết. Và rồi như công nghệ blockchain, mọi thông tin trong tay đều khách quan. Cha mẹ cùng con ngồi lại sàng lọc những chọn lựa mà con phù hợp nhất, dựa trên quy tắc đồng thuận và con là cổ đông đa số trong hội đồng quản trị. Sau này lỡ có sai, con không trách cha mẹ mà động não để sửa, sai mà sửa không dở, không biết cách sửa mà làm sai thêm mới dở.
Con đã chọn được ngành mà con có thể học tốt và tiến xa, con biết rõ nơi con đến sẽ có thời tiết và con người như thế nào. Con biết xoay sở để thích nghi và vươn mình khi không có ba mẹ ở bên cạnh. Ngày ra sân bay, ba mẹ chỉ dặn dò ngắn gọi, làm gì cũng phải có tâm, phải tìm hiểu cho kỹ trước khi quyết định, kiên trì là thành công. Cuộc sống này ba mẹ đã cho con là của con, con toàn quyền quyết định.
Đến nơi, cha mẹ biết con bình an và sau này lâu lâu trò chuyện với con để chia sẻ cảm xúc buồn vui cho đỡ nhớ, động viên con đi tiếp khi cần thiết. Hạnh phúc lớn nhất của ba mẹ là thấy con mình trưởng thành và tự lập, thành công được đo lường bằng thành tựu và con số cụ thể, cho dù ở phương trời nào đi chăng nữa. Con chim đã vững cánh bay Tây Bắc Đông Nam dù con chỉ là con chim sẻ hay là một con đại bàng hùng mạnh.
Nhóm tầm nhìn cho con môi trường và gợi ý, nhóm lời đồn cho con lời đồn và mệnh lệnh. Nhóm tầm nhìn cho con thử thách nhỏ để con rút ra bài học cho thử thách lớn hơn, nhóm lời đồn cho một bài học nhỏ rồi đẩy con vào thử thách lớn.
Dù là tầm nhìn hay lời đồn, đọc đến đây thì đó cũng chỉ là quá khứ. Điều quan trọng là suy nghĩ của bạn thay đổi để điều chỉnh quyết định cho một kết quả tốt hơn. Con cái nên học cách xác minh những nguồn thông tin, độc lập ra quyết định, còn cha mẹ không bắt con sống dùm giấc mơ cha mẹ. Một người dẫn đường vô cùng quan trọng, người đó là ba mẹ bạn hay là tôi, thì quyết định cuối cùng phải là của bạn.
Du học sinh đang cần một sự độc lập, niềm tin lành mạnh và lòng kiên trì. Càng đi đường sẽ càng sáng, càng bay càng lên cao.
Chúc bạn hoặc con bạn thành công.
~ Từ một chuyên gia giáo dục của AEA.
No Comments

Post A Comment